Vị thuốc quế chi có tác dụng gì

Quế chi chính là những cành quế con được người dân thu hái và phơi khô dùng để làm thuốc chữa bệnh. Đông y thường sử dụng loại dược liệu này để chữa các bệnh về phong hàn. Vậy vị thuốc quế chi là gì? Bài thuốc quế chi thang có tác dụng gì và sử dụng như thế nào? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm nhiều thông tin chi tiết.

Đặc điểm của quế chi

Quế chi còn có tên gọi khác là liễu quế, quế đơn, ngọc thụ, quế bì, nhục quế, quế thanh, quế quản,… có tên khoa học là Cinnamomum cassia Presl, tên trong y dược là Ramulus cinnamoni thuộc họ Long Lão (Lauraceae). Quế chi là một vị thuốc được lấy từ cành con của cây quế. Loại dược liệu này có hình trụ tròn, dài khoảng từ 30 – 75cm, đường kính từ 0,3 – 1cm được chia thành nhiều nhánh.

Bề mặt cây quế chi có màu nâu đỏ hay nâu, có đường sọc và nếp nhăn nhỏ. Vẫn còn sẹo cành, sẹo mầm và sẹo lá hình mụn cục. Loại dược liệu này có chất cứng nhưng giòn, dễ bẻ gãy, mặt cắt phần vỏ có màu nâu, phần gỗ có màu từ trắng vàng tới nâu vàng nhạt, phần tủy có hình vuông.

Quế chi là những cành quế nhỏ, phơi khô để làm thuốc

Cây quế chi phân bố rải rác ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên tập trung nhiều nhất vẫn là các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Ngoài ra, ở các tỉnh khác như Khánh Hòa, Quảng Nam, loại cây này cũng được tìm thấy.

Người ta thường thu hái cành con của cây quế vào mùa xuân. Sau khi hái về có thể đem cắt thành những lát mỏng hay miếng và phơi khô. Sau đó bảo quản trong túi kín và để nơi khô ráo thoáng mát, tránh ẩm mốc, mối mọt.

Tác dụng của quế chi

Tác dụng của quế chi trong y học hiện đại

  • Quế chi có tác dụng giúp làm giãn mạch, cải thiện lưu thông máu. Sử dụng vị thuốc quế chi giúp thoát mồ hôi, giải nhiệt và giảm các triệu chứng sốt, đau bụng, phong hàn, cảm lạnh,...
  • Vỏ cây quế chi có tác động lên trung khu thần kinh ở não, nâng cao ngưỡng đau. Các dược chất trong quế chi còn giúp làm giãn mạch, giảm co thắt mạch, giảm các triệu chứng đau đầu, đau bụng.
  • Đối với hệ tiêu hóa, quế chi giúp làm tăng dịch vị, tăng tiết nước bọt, kích thích hệ tiêu hóa.
  • Các nghiên cứu khoa học cho thấy, loại nước được sắc từ quế chi có tác dụng gây ức chế sự phát triển của nấm và virus cúm. Ngoài ra, loại dược liệu này còn có tác dụng sát khuẩn đối với tụ cầu vàng và trực khuẩn gây bệnh thương hàn.

Tác dụng của vị thuốc quế chi theo Đông y

Theo Đông y, quế chi có vị ngọt đắng, mùi thơm, tính ấm. Có tác động vào 3 kinh: Tâm, phế và bàng quang. Đông y thường sử dụng vị thuốc quế chi trong các trường hợp như sau:

  • Chữa cảm mạo phong hàn.
  • Trị các bệnh đau nhức xương khớp do phong hàn xâm phạm, thấp trệ làm tắc trở kinh mạch.
  • Chữa phù nề do dương khí bị ứ trệ; hoặc dùng trong chứng đàm ẩm khí huyết lưu thông kém.
  • Chữa thống kinh, bế kinh, đau dạ dày, đau đại tràng co thắt do lạnh.

Tham khảo thêm: Khổ Sâm: Vị thuốc quý giúp chữa tiêu hóa kém, chống rối loạn nhịp tim

Liều lượng sử dụng

Cách dùng: Thuốc được dùng theo cách sắc uống. Tùy vào từng bài thuốc, quế chi có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc sẽ được kết hợp với các vị thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị bệnh.

Liều lượng: Liều dùng thích hợp để sử dụng vị thuốc quế chi là từ 3-10g mỗi ngày. Tùy theo thể trạng và bệnh lý mà tăng giảm liều lượng, không nên quá lạm dụng bởi nó có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Thận trọng khi sử dụng:

  • Không dùng vị thuốc quế chi cho bệnh nhân đang bị sốt nóng cao, các trường hợp âm hư dương thịnh, kinh nguyệt ra nhiều.
  • Phụ nữ có thai không nên dùng loại dược liệu này. Khi dùng quế thì phải kiêng hành, hoặc dùng hành kiêng quế.
  • Trừ khi có chỉ định và giám sát của bác sĩ, những người  đang dùng thuốc trị đái tháo đường, hoặc những loại thuốc có tác động lên nồng độ insulin, nồng độ glucoza trong máu cũng không nên sử dụng quế chi.

Một số bài thuốc sử dụng với quế chi

Bài thuốc chữa cảm mạo phong hàn

  • Chuẩn bị: Quế chi, thược dược, sinh khương mỗi vị 12g, 4g cam thảo, 3 quả đại táo
  • Thực hiện: Cho các vị thuốc vào ấm sắc với 300ml nước, đun đến khi cạn còn 150ml, gạn lấy nước rồi chia làm 3 phần uống trong ngày, không nên để sang ngày hôm sau.

Bài thuốc chữa u xơ tử cung

  • Chuẩn bị: 16g quế chi, 16g xích thược, 16g đào nhân, 16g hải tảo, 16g miết giáp, 16g mẫu lệ, 10g hồng hoa, 8g nga truật, 8g nhũ hương, 8g sơn lăng, 8g một dược.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên nghiền chung với nhau thành bột mịn. Sau đó trộn với mật ong để tạo thành các viên hoàn. Mỗi lần lấy uống 12g cùng nước sôi ấm, ngày dùng 2 – 3 lần.

Bài thuốc chữa các chứng ho hen có đờm

  • Chuẩn bị: 8g quế chi, 12g phục linh, 8g cam thảo cùng 8g bạch truật.
  • Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào ấm sắc lấy nước, lọc bỏ bã. Chia đều thành nhiều phần và uống dần trong ngày, mỗi ngày uống 1 thang.

Bài thuốc điều hòa kinh nguyệt

  • Chuẩn bị: 10g quế chi, 8g xuyên khung, 10g bạch thược, 10g ngưu tất, 12g ba kích, 10g thục địa, 6g tiểu hồi hương, 30g hoàng kỳ, 15g kỷ tử, 15g đương quy, 10g ngải diệp, 6g gừng nướng.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho hết vào ấm, thêm 1lít nước. Sắc đến khi còn 600ml thì lọc bỏ bã rồi chia làm 3 lần uống trong ngày. Kiên trì sử dụng liên tục từ 10 đến 15 ngày sau khi đã sạch kinh.

Quế chi là vị thuốc có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi sử dụng cần thận trọng. Bởi nếu sử dụng không đúng cách trong nhiều trường hợp có thể gây ra nhiều phản ứng phụ. Tốt nhất, bạn nên tham khảo thật kỹ ý kiến của chuyên gia trước khi dùng quế chi cho bất cứ mục đích nào, đặc biệt là để chữa bệnh nhé.

Có thể bạn quan tâm

Nhân sâm kỵ gì? Những kiêng kỵ khi dùng sâm

Những đối tượng nào nên và không nên sử dụng đông trùng hạ thảo